Lăng mộ đá Hoàng Cao Khải là công trình có kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt nhưng lại không được nhiều người biết đến. Vì thế, nếu bạn muốn khám phá nhiều hơn về quần thể lăng mộ này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
1. Hoàng Cao Khải là ai?
Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, Hoàng Cao Khải (1850 – 1933), nguyên danh là Hoàng Văn Khải, quê ở làng Đông Thái, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868) và là đại thần, nhà văn, nhà sử học dưới triều vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam.
Trước khi Pháp chiếm đóng Bắc Kỳ, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như tri huyện Thọ Xương, quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Binh bộ thượng thư, khâm sai kinh lược sứ Bắc Kỳ…Sau đó về hưu ở ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đồng thời, để chuẩn bị cho hậu sự của mình, ông đã vời thầy địa lý từ bên Tàu sang chọn đất đặt mộ cho mình. Thầy Tàu đã cắm mảnh đất ở ấp Thái Hà, nằm ở phía Tây gò Đống Đa – chính là chỗ đặt lăng mộ bây giờ.
Vì thế, Hoàng Cao Khải đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc trong tư dinh của dòng họ Hoàng gồm từ đường, đình làng, đình tế, hồ vuông, hồ bán nguyệt, gò nghênh phong. Đặc biệt là 12 lăng mộ, trong đó trung tâm là lăng mộ đá Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu – con trai của ông.
2. Lăng mộ đá Hoàng Cao Khải ở đâu?
Nằm sâu trong con ngõ 252 đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, khu lăng mộ đá Hoàng Cao Khải được xây dựng từ năm 1893. Cũng chính là khoảng thời gian mà ông đã thiết lập một vùng đất rộng lớn, nhằm làm nơi chôn cất và cúng tế cho gia tộc mình.
Toàn bộ quần thể lăng mộ rộng khoảng 17ha, bao gồm 14 công trình kiến trúc lớn, nhỏ về lăng mộ và đình chùa như lăng Hoàng Cao Khải, lăng con trai ông – Hoàng Trọng Phu, đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt, khu đền thờ họ Hoàng với 7 gian theo phong cách kiến trúc dân gian… nằm rải rác ở khu vực phía Tây của gò Đống Đa.
3. Tìm hiểu thiết kế khu lăng mộ Hoàng Cao Khải
Lăng mộ đá Hoàng Cao Khải được xây trên khu đất cao rộng, phía trước là hồ bán nguyệt lớn còn hai bên sân có 8 pho tượng bằng đá. Đồng thời, lăng được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8 mét, cao 6 mét, trần cách sàn hơn 4 mét và gồm ba gian tiền tế, một gian hậu cung được xây bằng đá lấy từ phủ Quốc Oai.
Ở giữa có một bàn đá màu trắng rộng, đồng thời cũng là nơi đặt án thờ. Hai gian hồi đặt hai ngôi mộ – đó là mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái và mộ bà vợ Phạm Thị Tố ở bên phải. Toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh tế, có khắc những dòng chữ tinh xảo.
Cụ thể, các mảng chạm, hệ thống cột, xà, cửa võng, diềm, tường, gạch lát… đều được làm bằng đá. Đá được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ) và qua bàn tay chế tác đá tỉ mỉ, cẩn thận của các hiệp thợ nổi tiếng, lành nghề quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
Phía trước cửa lăng, có hai dãy tượng đá gồm 8 chiến binh cao khoảng 1,3m đứng gác ở 2 bên. Trải qua hơn 100 năm xây dựng, đến nay chỉ còn lại 3 bức tượng có kết cấu không hoàn chỉnh.
Bước qua 5 bậc đá được ghép từ những phiến đá xanh cỡ lớn sẽ đến tòa tiền tế. Vật liệu dùng để xây dựng công trình này được làm hoàn toàn bằng đá, gồm 14 cột đá tròn đường kính 25cm liên kết với 12 cột đá vuông có cạnh 40 x 40cm đỡ phần mái. Phần mái đồng thời là trần nhà, được ghép bằng những phiến đá lớn. Còn nền nhà lại được lát đá xanh.
Hậu cung của lăng mộ đá Hoàng Cao Khải có 4 cột vuông và 4 cột tròn đỡ mái. Trên các đầu cột gắn đầu rồng. Thân cột chạm hoa cúc và các hoa văn hình học. Phần mái được ghép bởi những phiến đá xanh chạm hình hoa sen, chữ triện. Tại các đầu cột và trần bên trong lăng trang trí họa tiết rồng ngậm ngọc, lá đề, hoa dây… cách điệu với lối chạm nổi tinh tế theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Xét về kiến trúc tổng thể, lăng mộ của Hoàng Cao Khải và con trai Hoàng Trọng Phu của ông đều có những nét tương đồng nhưng về quy mô thì khác nhau. Lăng của Hoàng Trọng Phu xây sau nhưng đồ sộ hơn. Toàn bộ mặt cắt ngang của lăng dài 15m, được chia làm nhiều khu nhỏ, trần cũng cao hơn 4m với những thiết kế họa tiết và hán tự đặc trưng.
4. Những điều đặc biệt xung quanh khu lăng mộ Hoàng Cao Khải
Khu lăng mộ không chỉ được làm toàn bộ từ đá cẩm thạch – một loại đá quý hiếm được ưa chuộng ở châu Á mà còn hội tụ đầy đủ yếu tố phong thủy với một hồ nước nhân tạo phía trước cửa lăng, theo lối lưng tựa núi, mặt trước nhìn sông. Trước kia, ở phía sau lăng mộ còn có ngọn đồi Nghinh Phong (Đón Gió) cao tới 10m. Thậm chí, trên đỉnh đồi còn có Nghinh Phong Quán – một nơi để nghỉ ngơi và ngoạn cảnh.
Nhiều người đã đánh giá, lăng mộ đá Hoàng Cao Khải chính là công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau Thành nhà Hồ, Thanh Hóa. Bởi những hạng mục công trình điêu khắc đá tinh xảo hiếm có. Nhà sử học nổi tiếng người Pháp Philippe Papin còn đánh giá đây là “một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông”. Quần thể di tích này đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962.
Trên đây là toàn bộ những thông tin chia sẻ chi tiết về lăng mộ đá Hoàng Cao Khải. Mong rằng từ đó, các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích, mới mẻ về một công trình kiến trúc đá tuyệt vời của Việt Nam. Trường hợp, muốn tìm kiếm đơn vị thi công, chế tác mẫu lăng mộ đơn giản đẹp uy tín, chất lượng nhất hiện nay thì hãy ghé Đá Mỹ Nghệ Tâm Nguyện nhé!